Jul 8, 2013

Nhã Thuyên bàn về thơ Nguyễn Bình Phương

Bài viết dưới đây của Nhã Thuyên, tôi đọc trên tạp chí Tia Sáng, rồi xin tác giả bản gốc, có đôi chút khác biệt so với bản đăng báo (đó là hồi tháng Hai 2012).

Với tôi, Nhã Thuyên (hiện nay hay được báo chí gọi dưới tên thật, Đỗ Thị Thoan) là một trong những nhà phê bình văn học nổi bật nhất của một thế hệ. Nổi bật hơn cả ở một vị thế độc lập, một giọng riêng và một bản lĩnh phê bình. Ngày nay có rất nhiều tình trạng éo le còn không đủ kiến thức nền tảng mà cũng phê bình văn học, phê bình điện ảnh, phê bình dịch thuật, những nhà phê bình kiểu Nhã Thuyên thật ra bị chìm khuất, được biết đến ít hơn nhiều so với giá trị thực.

Bài viết này (cũng như nhiều bài khác của Nhã Thuyên) thu hút tôi chính ở điểm tôi chẳng đồng ý gì với nó, tôi nhìn nhận thơ Nguyễn Bình Phương và văn chương Nguyễn Bình Phương khác hẳn, nhưng bài viết này (cũng như nhiều bài viết khác) kéo tôi để ý đến những điều tôi đã không để ý, bắt tôi tự đo mình với người khác, gây bực bội cho tôi vì chỗ diễn giải này hay chỗ diễn giải kia... Bởi nhà phê bình văn học là như thế nào? Tôi không biết chính xác câu trả lời, nhưng tôi biết nhà phê bình không phải người cố hích cố đẩy chen lấy một chỗ trong dàn đồng ca.



Phía khác của mặt trăng

Vĩnh biệt niềm đam mê chân mây
Anh chỉ là chiếc áo ngủ điêu tàn
                                                            Nguyễn Bình Phương

Số phận của loài mèo, không phải như một con vật nuôi được cưng chiều, dường như gắn liền với số phận của bóng tối, nơi bản năng hoang dã của chúng được bộc lộ. Ở một góc quan sát của Nguyễn Bình Phương, loài linh miêu, giống hình ảnh các phù thủy, đi cùng đêm tối, ánh trăng, dường như trở thành thi sĩ: chúng thuộc về những kẻ - có thể cùng với kẻ tạo ra chúng trong các bài thơ - ngồi suốt đêm với “đôi mắt dửng dưng xanh chói lọi”, và tìm kiếm điều gì đọng lại trong kí ức của mình. Tưởng tượng thơ ở Nguyễn Bình Phương, thường không bắt đầu hay chú tâm vào những hình tượng lớn, mạnh mẽ, phi thường, đã tìm được một cách khác để trở nên khác lạ: cái mang tiềm năng bí ẩn được kéo xuống trong một cuộc trò chuyện thường nhật, hay là ngược lại, cái quen thuộc bỗng nhiên thành bí ẩn vì một phút khởi hứng bất thần. Nhà thơ, kẻ thăm dò ẩn mặt, kẻ phát hiện ra không có dấu vết của chú cá, dòng sông hay bình minh trong kí ức con mèo, mà chỉ có cái gì đang trơn trượt, một vệt trườn, giữa không trung, giữa hư không, dấu vết hữu hình trong cái vô hình, cái dấu vết không thể còn dấu vết. Ở một không gian thơ khác, ánh trăng trên cao đổ xuống, và con mèo, người yêu, ánh trăng mở lời trò chuyện, tương giao bằng cách “ho húng hắng”, một cuộc trò chuyện thi vị giữa các sinh thể sống (con người, loài vật) và tạo vật thiên nhiên (ánh trăng) bằng ngôn ngữ riêng, thứ ngôn ngữ nằm giữa tiếng người và những âm động tự nhiên. Tiếng ho húng hắng ấy cũng có thể làm giật mình một kẻ đi trên đường vắng:

Sáng trong bóng tối
Một đôi mắt mèo
Một ngày không ai
Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo
(“Đêm ngà ngà”)
Thế giới thơ không phải là một hư cấu, nó là một hiện thực khác. Nó có hệ sinh vật riêng, vừa trùng khít với không gian sống của con người, vừa trở nên khác biệt: linh miêu, con hươu ma, những quả đồi lơ mơ, ngôi nhà rét, sương mù, khuôn mặt xanh, những ngôi sao màu hung… Nhà thơ là kẻ ở giữa: hắn di chuyển tự nhiên giữa các thế giới bằng những bước chân thuần thục của ngôn từ, hắn tan loãng trong bóng tối, đi vào đáy hồ thẳm sâu, những miền phiêu dạt. Tập Xa thân là cuộc tìm nơi trú ngụ của những linh hồn, những cái mất trở lại, những hồn say trong đêm: bóng những bông hoa bị ngắt run run về đậu trên cuống, hồn hoa lảo đảo trên đường, những giọng nói mềm mại như bóng râm, bóng áo nâu trên bức tường hoa sứ… Con người chỉ còn là những cái bóng, nhẹ bước trong sương mù, không rõ mặt, hiện diện bằng giọng nói không âm thanh, mà chỉ được cảm nhận bằng độ mềm mại, một cảm giác da thịt. Con người “xa thân”, bằng nhiều cách, ngủ, mơ, say, điên, bay, đứng, ngồi, nhớ lại để bay vào một miền không gian khác, một phiên bản không gian khác, vừa bay vừa cảm nhận sự phân rã của chính mình, bước di chuyển lảo đảo của tâm hồn mình, sự luênh loang trôi nổi của xúc cảm, và để có thể nghe tiếng nói khác. Sự nhòe đi của những đường biên giữa lý trí và xúc cảm, tỉnh và điên, cái nắm bắt được và những ảo giác, thực và mộng, sống và chết dễ cuốn ta tan lẫn theo, nhưng đồng thời, lại không hết bất an, bởi những giấc mơ máu hiện, bởi chiếc gương “trào ra những bóng hình ứ đọng”, bởi tiếng kêu bất thần giữa cơn giông, hay chỉ bởi tiếng người phát con, nựng con… Các thế giới trong giấc mơ luôn khác biệt giữa các nhà thơ, vì nó biểu hiện những kinh nghiệm sống thơ khác biệt: quả vậy, không có giấc ngủ nào giống nhau. Chẳng hạn, Nguyễn Quang Thiều đã gọi dậy những giấc mơ chìm dưới đáy sông của một ngôi làng bên sông Đáy, nhiều khi là những giấc mơ lớn, mang tham vọng phục sinh và hoàn nguyên một đời sống tự nhiên cao cả, đẹp và tràn sinh lực nguyên thủy; Nguyễn Bình Phương chỉ lưu giữ, phần nhiều cho cái cá nhân riêng tư, bất ổn của mình, một “khách của trần gian” những trạng thái mơ đôi khi vu vơ, lãng đãng, hoặc những ẩn ức bất thần trào ra như một dòng máu đổ trong kí ức. Nguyễn Bình Phương dựng lên một thế giới sống xanh xao, cả người và sự vật, thiên nhiên, những linh hồn nhiều khi có gì ẻo lả, èo uột, mơ màng, một bảo tàng sinh thái đầy tràn kí ức mà không hoài niệm. Thơ ca, với làn da thấm nhiễm và run rẩy rung động trinh bạch trong hơi lạnh của mưa, sương và vẻ trong vắt của ánh sáng đã khám phá những thế giới quen thuộc lần đầu hiện diện, nó là thế giới người, nhưng bí ẩn hơn người, là thế giới nơi ta bước vào, thả lỏng để có thể trò chuyện bình đẳng cùng tạo vật.


Bản thân nhan đề các tập thơ của Nguyễn Bình Phương đã có ý gây dựng một thế giới: Lam chướng (1994), Xa thân (1997) Từ chết sang trời biếc(2001). Nhan đề tập thơ mới nhất, Buổi câu hờ hững dường như “lạc loài” vì vẻ hiện thực, tính chất sáng rõ của không gian, thiếu màu sương mù xanh xao và khí núi lạnh lẽo. Bị chi phối bởi nỗ lực tìm tới thượng nguồn của tâm hồn, cái động năng xao xuyến trong mỗi con người, cuộc du hành của thơ ca thường tìm lại không gian sống tuổi thơ như một nguồn sinh khí, một nỗi hoài nhớ, cưỡng lại sức hấp dẫn, sự quên lãng của đô thị. Dường như có đôi điều khác biệt ở Nguyễn Bình Phương. Như thể không có gì làm anh xa rời nó, những bí ẩn của vùng núi Thái Nguyên, vẻ mù mịt hoang dại của sông nước, vẻ lạnh lẽo trong vắt của bầu khí thở, của cây lá, những chuyển dạng âm u của mây lúc chuyển mưa giông hay chiều về, vầng trăng vàng lạnh u ẩn đính hờ đâu đó trong bầu trời, làm kẻ chứng cho những cuộc tình đến và tan loãng trong bầu trời ấy… Câu thơ “một người xách đèn đi vào sương mù” gợi cảm giác chính xác về không gian ấy: tôi hình dung tới những quả đồi âm u đầy sương, đầy mưa, những con người nhạt nhòa, “tựa bóng ma thôi ra từ sương”. Những hiện diện đô thị trong thơ Nguyễn Bình Phương mờ nhạt, hoặc có một vẻ chán chường, mệt mỏi, vô hồn, cái bàn giấy, gương mặt công chức, bọn trẻ @, những cuộc phóng xe chán chường trên phố, dãy phố chật những biển hiệu, nơi hắn không thuộc về; đôi hình dung đẹp còn lại gắn với một bờ cây, một bụi nước, một cái gì thuộc về thiên nhiên và xa cách với những gương mặt người. Nguồn năng lượng thơ ca của Nguyễn Bình Phương, kẻ - tôi nhớ - hầu như không nhìn thẳng mặt người trò chuyện đối diện, kẻ - tôi mường tượng - chỉ cúi nhìn mặt đất hay cây cối và bầu trời khi di chuyển, ắt phải sinh ra từ một nguồn sáng/nguồn bóng tối khác, nơi sự bận tâm tới tiểu sử gia đình, gương mặt, cá tính đời sống thường nhật của người viết trở nên kém ý nghĩa. Nguồn năng lượng ấy tạo thành một mạch sống riêng lẻ, một không gian thơ khác biệt, biểu cảm, có thể xa lạ với những cư dân đô thị, nhưng thực tế không xa cách với tiếng nói bí mật bên trong tâm hồn chúng ta, với nỗi thèm muốn trở lại cái thượng nguồn khởi sinh ta, cái thượng nguồn bao giờ cũng âm u, huyễn ẩn.

Thơ Nguyễn Bình Phương không cho hiện diện những cơn khát dục tính, cái ác từ vô minh, những tiếng nói bản năng cùng quẫn vì bị đè nén hoặc được thả nổi đầy năng lượng và hỗn loạn trong đời sống bỏ hoang, vẫn là không gian của những vùng đồi âm u lam chướng, đã quẫy đạp trong văn xuôi của anh. Hay thơ ca, cái đẹp u uẩn, vẻ giản dị mang đầy bí mật của nó, là một phía khác của tâm hồn, một phía khác của tình yêu, là một áng mây xa luôn vừa bay vừa phân rã, đổi hình dạng, không thể nắm bắt và định hình. Và vì thế, trong thơ anh, những kẻ yêu nhau luôn tìm được lý do để là những hiện diện đẹp đẽ, rũ buồn. Thơ Nguyễn Bình Phương dường như đã chinh phục những kẻ đang yêu bằng cách ve vuốt nhu cầu nội tâm lãng mạn hóa đầy say mê, lại có vẻ dễ thương, và không hề giả tạo đó.

Anh đang mơ chúng mình cầm tay
Vòng quanh những quả đồi
- Em gọi cây nhưng cây không đến nổi
Nắng nhiều như anh hôn em.
(“Tình yêu khuất mặt”)

Ngày nào theo em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
(“Bài mùa thu đầu tiên”)

Lối kết cấu bài thơ của Nguyễn Bình Phương tưởng lỏng mà thực ra chặt chẽ, cân xứng một cách cổ điển, và có xu hướng vận động về ánh sáng, niềm tin, sự sống, và vì thế, đôi khi nó trở nên đông cứng. Tôi thích, đôi bài thơ bất ngờ, đâm chúi về phía vực thẳm, đáy hồ, tuyệt vọng, nhưng đê mê:

Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào, đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm
(“Bài mùa thu đầu tiên”)

Ở những câu thơ như thế, mặt trăng thực sự rạng lên ở một phía khác.

***

Nguyễn Bình Phương nhất định không phải một hồn thơ phức tạp. Đọc thơ anh, tôi không bị cuốn vào những sáng tạo ngôn từ, những hình tượng thơ rối rắm, những hỗn loạn của câu chữ, nhạc điệu hay hình ảnh. Tôi thấy anh hầu như dùng những từ giản dị. Nhiều bài thơ chỉ là những phác họa về không gian, khung cảnh, sự vật đặt cạnh nhau, thậm chí như là những bài thơ “miêu tả”. Vậy cái chất mộng mị, phiêu dạt, nhiều ảo giác, sự phân rã… trong thơ anh đến từ đâu? Có những thao tác dễ quan sát được, chẳng hạn sự kết hợp như ngẫu hứng nhưng có chọn lọc kĩ lưỡng những từ khác trường nghĩa cạnh nhau: xanh chói lọi, ánh sáng ủ rũ, thiếu phụ quay đi xanh mơ màng, nhằm đặt một ý niệm từ ngữ và một ý niệm hiện thực cạnh nhau; khả năng dựng cảnh từ vài chi tiết giấu kín xúc cảm người quan sát; các biểu tượng, nhân hóa, so sánh, ẩn dụ… Tôi chú ý hơn tới thao tác làm phân rã, mài mòn các từ, đa bội hóa một âm tiết với những biến thái về âm điệu để tạo từ, như một thao tác tạo từ láy được sử dụng nhiều trong thơ Nguyễn Bình Phương: mai mái, mươn mướt, rưng rưng, ngờ ngợ, mơ màng… Sự dày đặc các tính-động từ này là điểm dễ nhận ra thơ anh, với sức quyến rũ về âm điệu, độ mơ hồ của chữ nghĩa, khả năng diễn tả những chuyển hóa trong cảm giác của hình ảnh thơ (giọng nói mềm mại như bóng râm, những ngọn đồi lơ mơ tối…) đồng thời cũng cần được nhận thức như một thú chơi nguy hiểm: những tạo tác nhã nhặn nằm giữa sáng tạo và mòn sáo, cái tình thế có thể mượn tới một câu thơ khác trong tập Buổi câu hờ hững để diễn đạt lại:

Bỗng dưng đánh mất tất cả mênh mông
Một người tỉnh queo làm anh ngán ngẩm
(“Viết lúc chín giờ”)

Sự khó hiểu của thơ Nguyễn Bình Phương, nếu có, có thể có nguyên nhân từ chính người đọc (thơ): chúng ta thường lơ là việc nhìn ngắm chính cảm giác của mình đến nỗi, khi lạc vào một thế giới của một tâm hồn khác, ta vẫn giữ thói quen quan sát và nhìn ngắm một cái gì xa lạ, một cái gì ngoài ta. Tâm hồn của một con người, một con mèo, một tạo vật, một cái cây, một bông hoa, một cái bóng, có bao giờ là dễ hiểu?

Một nhà thơ thường đồng nhất số phận mình, ở mức độ nào đó, thuộc về những kẻ có tham vọng tìm kiếm sức mạnh biểu hiện mới của ngôn ngữ, phát kiến về ngôn ngữ, để nuôi dưỡng kho báu đó - bởi thơ ca là mảnh đất chấp nhận tất cả những hạt giống sáng tạo, hay ít ra, nó cũng là mảnh đất rộng mở hơn cả để gieo trồng các sáng tạo ngôn từ. Theo cách nhìn đó, một mặt, Nguyễn Bình Phương đã đóng góp, làm giàu có, làm phai loãng, hay đã để “thôi” ra từ bức tranh ngôn từ những phẩm màu chữ nghĩa của riêng anh, phai ra trên con suối nơi một người ngồi im lặng, một người ngồi để trôi đi cùng dòng suối đang trôi trên những chiếc rễ cây nằm im lặng dưới đáy... Một thế giới nhả màu tượng trưng và siêu thực được tìm thấy ở Nguyễn Bình Phương với những thao tác lạ hóa ngôn từ và hình ảnh. Nhưng mặt khác, chính lối tu từ đó, nỗ lực trau dồi mĩ cảm của ngôn ngữ, sự giữ gìn những cảm giác trong ngôn ngữ nhiều khi đã cho thấy một “lối mòn” tư duy, khi nó chỉ chạm tới cái linh hồn “mơ màng” của tạo vật, nó hướng tới mê dụ, huyền hoặc, làm mất khả năng tỉnh thức, nó dễ an ủi, nhưng khó gây chấn động. Thế giới bên trong chúng ta, tưởng chỉ hút ta vào sâu bằng vẻ thâm u, phần nhiều tĩnh lặng, tôi nghĩ, là một thế giới nhiều chuyển động dữ dội và phức tạp hơn thế. Cuộc đua của ngôn ngữ, hay khả năng “thăm dò tiềm thức” (như tên một tác phẩm của C.G. Jung) của ngôn ngữ ắt phải đẩy nó tới những xung đột mạnh hơn, những xô dạt, những thách thức khác nữa, nếu nó muốn đồng hành cùng nhịp vận động của nội tâm người. Sự biến đổi của tâm hồn, của thế giới bên trong, không phải bởi con người ngày nay phức tạp và sâu thẳm hơn con người của ngàn năm trước, mà có thể, chỉ bởi vì chúng ta đã có một lịch sử dài hơn của sự tìm kiếm các thao tác, các phương cách thăm dò chính mình. Những bài thơ có thể là “khó hiểu” của Nguyễn Bình Phương, đặt vào không gian thơ Việt hậu chiến với những đứt nối khó lường, vào thập niên 90 của thế kỉ trước, có thể đến nay đã là “dễ hiểu”, có thể chúng đã dễ dàng nằm trong sổ tay của những bạn trẻ tuổi đôi mươi, yêu thơ và tìm được nơi thơ một niềm an ủi kín đáo, hay đôi kẻ cô độc tìm thấy nơi đây cuộc trò chuyện rầm rì về sự sống. Thơ Nguyễn Bình Phương vẫn sẽ dễ đọc, dễ cảm, bởi nó không đi ra ngoài những tình cảm, lối trò chuyện của con người, và hơn thế, có một sự đảm bảo khá chuẩn mực những thói quen nhạc điệu của tác giả: cách gieo vần, ngắt nhịp, sự buông lơi của âm điệu, nhất là trong những câu kết. Đó không hẳn là những bài thơ kích thích chúng ta, nhưng có thể được đọc lại, thuộc đôi câu, nhẩn nha đâu đó…

Nguyễn Bình Phương đã hiện thực hóa một châm ngôn viết của mình: “sống là viết vào đời câu cách ngôn bí ẩn” bằng cách nói những điều mê dụ, những huyền hoặc, như những nhà tiên tri, những thầy bói. Nhưng rồi các nhà thơ vẫn thường dùng dằng: ở giữa tưởng tượng thơ ca và đời thực, linh hồn chực bay lại không sao bay lên nổi, những đám mây điêu tàn, sức mạnh nội tâm dường như yếu đi, ốm đi, xanh xao hơn. Đến tậpBuổi câu hờ hững, dường như Nguyễn Bình Phương đang nhìn lại mình với một đầu óc duy lý hơn, thấy rõ hơn nhu cầu bày tỏ mình, chiêm ngắm mình, u hoài về sự phôi pha, tàn phai, bệnh tật, làn da mai mái, mái tóc bạc màu… Anh cũng “đời thực” hơn, đề cập nhiều hơn tới các vấn đề thường nhật, về đời sống công chức, danh vọng, quan chức, hay mở rộng mảng đề tài “tham vọng” hơn, về số phận người lính, người dân châu thổ sông Hồng, như thể có ý hướng một thứ thơ “tham dự” vào đời sống cộng đồng, một phản tư của phẩm chất trí thức. Vì thế, thơ Nguyễn Bình Phương mất đi vẻ mê dụ vốn có, và thêm nhiều trống trải, nhiều suy tư.

chiếc áo sơ mi khoác hờ lên bóng đêm
là anh đấy

Nhà thơ, kẻ không bận tâm gì khác ngoài thế giới nội tâm của mình, kẻ đã tin tưởng vào mạch nguồn vô tận của nó, tin rằng sự nhân rộng đời sống cá nhân là mãi mãi giàu có, kẻ đó đang đứng trước tuổi già, bệnh tật, sự trống trải, nỗi cô độc đã đồng hành cùng anh suốt chặng đường dài. Tôi không dám chắc khả năng chia sẻ của mình, bởi tôi không trải nghiệm cùng độ tuổi Nguyễn Bình Phương, tôi chỉ mường tượng một cái gì khủng khiếp, đang tới, nó cần hoặc những cú rùng mình lột xác, hoặc sự mỏi mòn, thất trận. Một cái gì chán nản có thể làm mòn rữa, làm hao phí những ý tưởng, trong căn phòng, nơi góc phố chật, nhưng anh dường không có nhu cầu nổi loạn, phá phách hay chối bỏ. Anh cũng không có nhu cầu mãnh liệt làm kẻ ra đi. Anh làm một người ngoại cuộc. Anh đứng ngoài anh buông thõng tay. Anh nhận ra cái trống không rờn rợn ấy. Và anh vẫn tin, gắng gỏi, vào tiếng tích tắc của đồng hồ trái tim. 

***

Các nhà thơ phải chấp nhận một sự thật: nỗi thất bại trước những câu thơ mình viết, nỗi thất bại trước sự biến mất bất thần của những tâm trạng đã trói buộc mình: đau đớn, tình yêu, sợ hãi, thất vọng, coi thường… - chính những sự trói buộc ấy dẫn lối ta đến những bài thơ. Vậy có thể nào làm được thơ, có được thơ ca mà không lệ thuộc vào những ái ố hỉ nộ của con người? Nhiều nhà thơ hậu hiện đại khước từ trữ tình như một cách định nghĩa thơ, hoặc đôi ba kẻ tìm kiếm hứng thú thơ ca trong các cách cưỡng chế ngôn từ - tôi muốn gợi nhớ tới các nhà thơ trong nhóm Oulipo, mà phần nhiều, chúng ta tiếp cận với quan niệm làm việc hơn là các tác phẩm của họ. Nguyễn Bình Phương dường không quyết liệt tìm ra những định nghĩa cho thơ, anh thả lỏng chúng, như thả gió, với niềm tin mỗi sự tồn tại đó là một cách định nghĩa của thơ ca, nhưng trò chơi tưởng chừng giản dị, nhẹ thênh đó cũng không ít nguy hiểm. Dù cho người viết có thể chịu đựng, hay thanh thản đón nhận nỗi đơn độc trước trang giấy trắng, được an ủi trong bàn tay ve vuốt êm ái của chính nỗi cô độc ấy, thì hắn cũng không thể lảng tránh suy tư, bày tỏ quan niệm hay thái độ văn chương. Sự im lặng lầm lì của một người viết đôi khi làm độc giả khó chịu, hoặc lơ đãng quên mất, bởi họ dễ vô tâm, lại hay nôn nóng, và hiếu kì, ít nhất đôi lần mong tiếp xúc trực tiếp, không hẳn là với gương mặt, mắt nhìn, dáng điệu, mà với những phát ngôn trực tiếp của hắn về quan niệm văn chương của mình. Tất nhiên, tôi hoàn toàn tin rằng người viết có lý do riêng cho những lựa chọn cá nhân, và sự chuyển hướng trong hành trình viết của hắn không phải bao giờ cũng (cần) được nhận ra hay chia sẻ bởi người đọc, mức độ thành thực và quyết liệt của một người viết với cộng đồng đọc của anh ta phải nằm ở chính các tác phẩm.
Phác thảo chân dung một sự sống thơ ca bao giờ cũng chỉ là một phác thảo lệch lạc, xa vời, một ảo tưởng nắm bắt được cái gì đó, như một ngôi nhà tưởng giữ được ánh sáng và gió trời đang không ngừng di động và loãng tan. Tâm trạng và hứng thú thơ ca của người làm thơ không ở yên đó, nghĩa là sự sống thơ ca, cái cá nhân được nhân bội qua các bài thơ của họ không bao giờ yên ổn và ngồi một chỗ, và tâm trạng của người đọc thơ, sự sống của việc đọc cũng vậy. Rung động thơ ca trước một câu thơ, một nhà thơ luôn bất trắc, không đảm bảo: kẻ yêu thơ, người tình của thơ ca cũng luôn là người tình không chung thủy, dễ bội phản, như sự trôi đi của dòng nước, của không khí, đã đành, như chiếc bóng tưởng vẫn như vậy trong tấm gương câm soi vào kí ức âm u rạng rỡ của một người tình câm. Người làm thơ, và người đọc thơ, may mắn được đôi lần gặp nhau trong cuộc trò chuyện sống động nào đó, còn phần nhiều, nguồn năng lượng thi ca đi ra từ các bài thơ chỉ còn là vọng âm của những tiếng rì rầm bất tận, trong lòng đất, trong mạch nước, trong tiếng đập cánh của cây lá, tiếng gió lách trong rừng, tiếng thở của khuôn ngực ánh sáng phập phồng vào ban mai hay nỗi tức tưởi im lặng của bóng đêm… Những âm thanh đó, cũng có thể tan rã bất cứ lúc nào, hoặc hoàn toàn vô nghĩa, trôi qua ta mà không hay biết. Đọc thơ, thời nay, dường như không phải để phán đoán về giá trị của các tác phẩm hay tôn vinh các thi tài, hay quyết định vị trí thơ ca của các nhà thơ, những nhà thơ dường như luôn lẻ loi đâu đó và từ chối mọi xếp đặt, mà dường như, chỉ là để khơi lại nhu cầu nhìn vào bản thân mình, cái nhu cầu mỗi lúc mỗi dễ dàng biến mất, trong mỗi chúng ta. Và cả người viết lẫn người đọc, tìm kiếm nó trong nỗi cô độc êm ái, trong những bước di chuyển về phía sương mù, không ai biết…

19.12.2011
 
Nhã Thuyên

13 comments:

  1. Hi, em tên là Đệ Anh, nam, sinh năm 1987, hiện đang làm việc trong một công ty gia công phần mềm ở Đà Nẵng. Trong thế giới người thân, bạn bè, đồng nghiệp của em không có ai biết những cái tên CVD, TTCĐ, NT, NCH...cả.
    Tuy nhiên, ở những khúc quanh của cuộc sống riêng tư thì những đầu sách, những bài báo, những bài tiểu luận của các anh/ chị/ bạn đã làm bạn em rất nhiều.
    Mấy hôm nay đọc tin nghe lóang thóang về vụ án văn chương Nhã Thuyên em rất buồn, lại một người nữa mà mình vô cùng yêu mến bị vùi dập. Biết sao được...
    Chúc mọi người rồi bình an.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhân Văn-Giai Phẩm nó giống như một cái mô hình mẫu ấy, rồi sau này mọi thứ cứ lặp đi lặp lại với một vài tham số thay đổi :p Eternal Return =))

      Delete
  2. Bóng dáng của thiên tài thì ở đâu cũng dễ nhận ra nhỉ :D

    NBP như câu trả lời - hay Doppelgänger - trong văn học miền Bắc với TTT của miền Nam.

    Hình như "rule of thump" là từ Thơ đi đến Văn...

    ReplyDelete
  3. Tôi biết vu đánh Nhã Thuyên không chỉ để đánh Nhã Thuyên. Nhưng nhóm Mở Miệng không đáng để Nhã Thuyên nhọc nhằn như thế, xét về góc độ văn chương. Họ có quá ít tác phẩm có giá trị văn chương đúng nghĩa, ngoài chửi tục và hằn học. Xét khía cạnh chính trị thì hãy để cho bọn quan tâm chính trị nghiêng ngó, Nhã Thuyên chỉ cần viết những bài như về Nguyễn Bình Phương thế này là được rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi không nghĩ thế, bác nghĩ như vậy thì cũng là một cách khác để hạn chế lựa chọn của nhà phê bình: điều này tôi đã nói khi có mặt cả Chu Giang Nguyễn Văn Lưu: nhà phê bình có quyền và trách nhiệm lựa chọn đối tượng là những gì các nhà phê bình khác thường xuyên bỏ qua, và cách thức của ông Nguyễn Văn Lưu là không đẹp trong môi trường phê bình.

      Thêm nữa, "chửi tục" và "hằn học" đâu có nằm bên ngoài phạm vi "giá trị văn chương", nhỉ.

      Delete
    2. Tôi chỉ nghĩ, trong số những cuốn sách được viết từ 100 năm trước, mà giờ độc giả vẫn thấy hay, thì không có cuốn nào chửi bậy sống sít kiểu vậy.

      Delete
    3. còn tôi chỉ nghĩ:

      - văn chương về tục tĩu, cứt đái không chắc là văn chương cứt đái, văn chương không về cứt đái không chắc là văn chương không cứt đái

      - sách từ 100 năm trước bác đâu có đọc hết nên mới kết luận như vậy

      - văn chương đâu phải theo từng 100 năm một

      Delete
  4. Chửi tục đây, có cả chính trị trong đó, 200 năm cũ luôn:
    Ba hồi trống giục đù cha kiếp
    Một nhát gươm rơi bỏ mẹ đời...

    Cái này thì hơi bị mới:
    “Ðịa cầu
    địa cầu
    Trăng khô
    Ðang xối
    Trên gối
    Thiên thu
    U u
    Ta hát
    Rợn mát
    Vô thần
    vỹ nhân
    Ðồ bỏ
    Thiên tài
    Cặc lõ
    Ðịa cầu
    Ðịa cầu
    Càng sống
    Càng lâu
    Tóc râu
    Càng mọc
    Ta càng
    Muốn chọc
    Khiêng đi
    Ngay chóc”

    ReplyDelete
  5. Nhã Thuyên nghiên cứu nhóm Mở miệng thuần túy khoa học thì không có gí đáng nói.Tiếc là chính trị hóa hóa nên mới có chuyện. " văn chương về tục tĩu, cứt đái không chắc là văn chương cứt đái, văn chương không về cứt đái không chắc là văn chương không cứt đái"- Rất thích câu này của Nhị Linh

    ReplyDelete
  6. Không lẽ Mở Miệng thuần tuý khoa học?
    Nếu đúng thế, thì viết làm gì?

    ReplyDelete
  7. It's remarkable to go to see this website and reading the views of all
    colleagues about this post, while I am also eager of getting know-how.

    ReplyDelete
  8. Yesterday, while I was at work, my sister stole my iphone and tested to see if
    it can survive a forty foot drop, just so she can be
    a youtube sensation. My apple ipad is now broken and she has 83 views.

    I know this is entirely off topic but I had to share it with someone!

    ReplyDelete
  9. Nhã Thuyên hiện nay đang làm gì, sống ở đâu hở Nhị Linh?
    - GC

    ReplyDelete