Feb 20, 2014

Dazai Osamu

Tập Nữ sinh của Dazai Osamu (Hoàng Long dịch) gồm sáu truyện ngắn, thì ba truyện về chủ đề viết văn và nhà văn: "Nữ tác gia" về một cô bé từng được đăng "tác phẩm" trên trang nhất một tờ tạp chí, "Một chuyến đi" kể về Kasai Hajime một nhà văn xuống dốc, gần như phát điên ở quãng gần bốn mươi tuổi, và "Một ngày trọng đại", nhân vật không phải nhà văn mà là một phụ nữ bình thường, nhưng phụ nữ ấy là vợ một nhà văn (rất dốt địa lý) và bản thân bà viết lại đoạn đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nhằm tạo ra một "tư liệu lịch sử".

Nói chung các tác giả nữ và những người lỡ có năng khiếu văn chương từ nhỏ nên đọc "Nữ tác gia" :p

Cô bé trong câu chuyện có một ông cậu là nhà văn thất thế, khuyến khích kiểu nào đó nên hồi còn nhỏ, cô gửi bài đăng lên tạp chí kể chuyện đi mua thuốc lá, sau đó có tác phẩm thứ hai lên trang nhất tờ tạp chí, được một tiên sinh tán tụng bằng một bài dài gấp vài lần cái truyện ngắn, thầy giáo ở trường chép truyện lên bảng rồi bình luận say sưa. Nỗi bi thảm khởi đầu từ đó: cuộc sống của cô bé ở trường xuống dốc không phanh, ở nhà thì bố mẹ cãi nhau hùng tráng mấy cuộc, vân vân và vân vân. Cô bé biết mình chẳng có tài năng văn chương quái gì, nhưng rồi mấy năm sau, khi đã chuyển trường, tiên sinh ở tờ tạp chí viết thư bày tỏ quan ngại một năng khiếu như thế sao lại bỏ mất thật uổng, rồi ông thầy giáo cũ cũng tìm đến, tình nguyện làm gia sư (có lấy thù lao) nhằm hướng lối cho một tài năng tiềm ẩn sắp phát triển rực rỡ, trong hoàn cảnh trên văn đàn mới xuất hiện một cô gái mười tám tuổi viết một cuốn tiểu thuyết thành công vang dội, kiếm được bao nhiêu là tiền.

Thế là suốt ba tháng tuần nào cô bé cũng chịu đựng ông thầy giáo lẩn thẩn giảng bài về văn chương: tả tuyết thì phải như thế nào, tả mưa phùn mùa xuân thì phải lâm thâm lắc rắc ra sao.

Nẫu quá, cô bé càng biết mình chẳng có chút tài năng văn chương nào cả, và rồi cũng thoát được ông thầy giáo kia, rồi thì đọc truyện diễm tình vân vân. Và đến cuối, bỗng cô bé ấy nghĩ hay là mình phải viết văn mới được và vội vàng viết thư cho tiên sinh ở tờ tạp chí. Sau đó không biết thế nào nữa, nhưng chắc là có thêm một nữ văn sĩ :p

Đại khái, Dazai Osamu vẽ ra khung cảnh văn chương như vậy, mỉa mai (mà cũng không đúng, miệt thị thì đúng hơn), khung cảnh của nhơ nhớp, lẩn thẩn, điên dại, ngây ngô, tức là mọi thứ gì đáng để nhổ cho một cái.

Trong Thất lạc cõi người thì Dazai đã khừ cho cuộc đời một phát, cuộc đời nhớp nháp, con người loe hoe ở trong đó với tình thế vĩnh viễn bị thất cách. Trong tập Nữ sinh, truyện "Nữ sinh" hay "Người vợ" cũng kiểu đó. Còn những truyện về thế giới viết văn thì lại thêm một phát khừ nữa: văn chương mớ đời, nản kinh, chấp chới địa ngục, như tình cảnh của Kasai Hajime trong "Một chuyến đi". Văn chương hay cuộc đời, thái độ của Dazai Osamu với chúng có lẽ tập trung vào câu này của truyện ấy: "Con người ta tại sao phải sống chứ?"

Trong tập này còn có truyện "Tờ tiền giấy", với nhân vật chính là một tờ tiền. Gần đây ở Việt Nam cũng có ai đã viết cả một cuốn sách lấy nhân vật là tờ tiền nhỉ? Trung Trung Đỉnh à?

Theo bản dịch, ở tr.105, Cuore, vốn ở Việt Nam được biết đến dưới nhan đề Tâm hồn cao thượng hay Những tấm lòng cao cả, ở Nhật mang tên Trường học tình yêu.

3 comments:

  1. Một chuyến đi chơi Ý, tôi mua được cuốn 'Cuore', nhưng tới khi bị thất lạc chưa đọc, vì không biết tiếng Ý. Nhưng sao tôi lại nhớ bìa cuốn đó đề là "Gran Cuore". Dịch "Gran" thành "Cao thượng" thì quá hay rồi! (lv)

    ReplyDelete
  2. Cái tít tiếng Việt, là dịch từ tiếng Pháp, Hà Mai Anh dịch, Les Grands Coeurs. NQT

    ReplyDelete
  3. tiếng Ý tên Cuore, tiếng Pháp tên Grands Coeurs, tiếng Anh tên Heart, bản dịch của Hà Mai Anh (qua tiếng Pháp) tên Tâm hồn cao thượng, bản dịch của Hoàng Thiếu Sơn (chắc cũng qua tiếng Pháp) tên Những tấm lòng cao cả :p

    ReplyDelete